Giới thiệu


Nhóm nghiên cứu UiTiO tại Bộ môn Mạng máy tính, Trường ĐH CNTT – ĐHQG HCM, hiện đang tập trung nghiên cứu, phát triển và xây dựng các giải pháp, ứng dụng trong các lĩnh vực: Internet of Things (IoTs), Cyber-Physical Systems (CPSs), Wireless Embedded Internet (WEI), và Cloud Computing. Nhóm UiTiOt đã có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu phát triển, hợp tác quốc tế. Về năng lực nghiên cứu của trưởng nhóm và các thành viên: PGS. TS. Lê Trung Quân, và các thành viên chính của nhóm, đã và đang là chủ nhiệm các đề tài các cấp như cấp Sở KHCN Tp.HCM, cấp ĐHQG-HCM, cấp Quốc tế (hợp tác theo nghị định thư giữa ĐHQG-HCM và Viện KHCN Tiên Tiến Nhật Bản-JAIST).... Ngoài ra, các thành viên cũng có nhiều năm kinh nghiệm hợp tác nghiên cứu và làm việc với đối tác ở nước ngoài, ví dụ như Pháp, Nauy, Áo, Nhật,...

Hiện nay, chúng tôi nhận thấy khuynh hướng bùng nổ trong tương lai gần của các công nghệ mới trong lĩnh vực hệ thống nhúng mạng Internet không dây (Wireless Embedded Internet-WEI) và Internet của vạn vật (Internet of Things-IoTs), các hệ thống Cyber-Physical Systems (CPSes), cũng như việc phát triển các giải pháp thông minh và ứng dụng thời gian thực thông minh hơn về WEI/IoTs để áp dụng trong thực tế để phục vụ tốt hơn cuộc sống của con người (được gọi bằng thuật ngữ: Ambient-Assisted Living). Chính vì vậy, việc nghiên cứu và đào tạo của nhóm UiTiOt chúng tôi đã được điều chỉnh theo hướng vừa đảm bảo tính khoa học cao, lẫn ứng dụng trong lĩnh vực WEI/IoTs. Hình dưới đây minh họa mối liên kết giữa các hướng nghiên cứu. Chúng tôi dự định phát triển không những ứng dụng độc lập, mà còn cả các ứng dụng tích hợp, nghi thức giao tiếp, và thiết bị giá rẻ. Môi trường mã nguồn mở là lựa chọn của tác giả để phát triển do tính uyển chuyển, cũng như cung cấp khả năng truy cập hoàn toàn mã nguồn của ứng dụng và các giao thức giao tiếp mạng, qua đó hoàn toàn làm chủ công nghệ.

Các lĩnh vực cụ thể mà nhóm UiTiOt tập trung hiện nay bao gồm:

  • Phát triển kiến trúc và giao thức mạng IoTs/WEI/CPSes có khả năng tự cấu hình và tổ chức, tiết kiệm năng lượng và ứng dụng của các công nghệ này trong các ứng dụng IoTs thông minh như: quản lý môi trường, nhà thông minh, cảnh báo cháy.
  • Phát triển các thiết bị hệ thống nhúng IoTs/WEI/CPSes giá rẻ trên các nền tảng (platform) mã nguồn mở như Linux, TinyOS, để sử dụng trong các ứng dụng hàng ngày, ví dụ như thiết bị định tuyến không dây ad-hoc, thiết bị cảm ứng không dây IoTs, thiết bị RFID.
  • Tái cấu hình trong mạng cảm biến không dây IoTs/WEI/CPSes nhằm nâng cao khả năng thích ứng của hệ thống trước các biến đổi động (dynamic changes) và sự kiện không biết trước (unknown events) trong môi trường, ví dụ như trong các ứng dụng giám sát môi trường, dự báo thời tiết. Thông qua đó, việc triển khai, bảo trì hệ thống sẽ được thực hiện với chi phí thấp nhất.
  • Nghiên cứu phát triển môi trường, công cụ hỗ trợ đánh giá thử nghiệm các ứng dụng và giao thức IoTs/WEI/CPSes với chi phí đầu tư và triển khai hợp lý tại Việt Nam, cũng như có thể xây dựng các kịch bản với số lượng lớn các thiết bị, chạy và kiểm thử cho ra kết quả chính xác, nhanh chóng.
  • Nghiên cứu các tiêu chuẩn công nghiệp mới trong lĩnh vực WEI/IoTs/CPSes, các thực thể thông minh (Smart objects, Smart Houses, Smart City), các vi nghi thức giao tiếp mạng (micro IP /IPv6), và các vi hệ điều hành mã nguồn mở (tiny, open-sourced operating systems) dành cho các hệ thống nhúng, các thiết bị nhỏ với tài nguyên hạn chế (limited resources, e.g., Contiki OS , TinyOS). Thông qua đó sẽ phát triển các phiên bản ứng dụng tối ưu tiếp theo.